Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng đầu tiên, là môi trường xã hội gần gũi, quan trọng nhất, nơi các tương tác xã hội hằng ngày của thanh niên diễn ra thường xuyên nhất. Với tư cách là “tế bào”, là thiết chế cơ bản của xã hội, gia đình là nơi nuôi dưỡng con người về thể chất và tinh thần. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc duy trì, gìn giữ và trao truyền các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc và động viên các thành viên của mình phấn đấu theo đúng chuẩn mực của xã hội. Đồng thời, gia đình vừa là màng lọc mà thông qua đó thanh niên tiếp nhận một cách có chọn lọc những tác động văn hóa từ bên ngoài, vừa như tấm lá chắn bảo vệ họ khỏi những tác động tiêu cực của xã hội. Gia đình chính là một trong những “yếu tố bảo vệ” quan trọng nhất đối với thanh niên Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho biết: Có tới hơn 2/3 thanh niên (82,5%) đánh giá giáo dục gia đình rất có tác dụng và nói chung có tác dụng tới lối sống của mình. Chỉ có 3,9% thanh niên đánh giá nó hoàn toàn không có tác dụng. Như vậy, đa số thanh niên Việt Nam hiện nay đã từng được sống cùng với gia đình mình và được thụ hưởng giáo dục gia đình trong độ tuổi trẻ em – độ tuổi bắt đầu hình thành và định hướng về phát triển nhân cách và lối sống trong đời người.
Vai trò to lớn của gia đình đối với sự phát triển nhân cách và lối sống của thanh niên càng được khẳng định khi có tới 56,3% số thanh niên được hỏi ý kiến trong cuộc khảo sát cho biết họ thường xuyên làm theo ý kiến của cha mẹ, 35,6% cho biết họ đôi khi làm theo, đôi khi không làm theo, tức là tiếp thu ý kiến của cha mẹ một cách có cân nhắc. Chỉ có 6,7% thanh niên cho biết họ không thường xuyên làm theo ý kiến cha mẹ. Một tỷ lệ lớn thanh niên trong diện khảo sát cho biết họ thường tham khảo ý kiến của người thân trong gia đình về các vấn đề quan yếu trong cuộc sống như vấn đề sức khỏe (44,8%), vấn đề công ăn việc làm (46,3%), vấn đề hôn nhân và tình yêu (43,4%), vấn đề tình dục, sinh lý (24,4%)… Chúng ta có thể khẳng định thêm rằng, gia đình chính là môi trường giáo dục, là nơi “tin cậy”, là yếu tố tác động quan trọng nhất đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách, giáo dục đạo đức và định hướng lối sống đối với thanh niên Việt Nam hiện nay.
Theo thống kê thu được, phần lớn số nữ thanh niên bị sa vào tệ nạn mại dâm khi đang ở trong độ tuổi thanh niên là do thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình. Hầu hết các gia đình của gái mại dâm đều có vấn đề, nhất là những gia đình có người thân liên quan đến gái mại dâm, gia đình có người nghiện ma túy, gia đình có người có tiền án, tiền sự và một số gia đình có thành viên liên quan đến các loại tệ nạn xã hội khác.
Những phân tích trên cho thấy, phần lớn thanh niên sa vào tội phạm, tệ nạn xã hội hoặc lựa chọn các xu hướng lối sống tiêu cực, sa đọa như buông thả bản thân, nghiện game online, ích kỷ, thờ ơ vô cảm, hành xử bạo lực… đều do thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình; có thể chia thành những trường hợp sau:
Gia đình của thanh niên đã bị “hỏng từ gốc”, tức chính ông bà, cha mẹ của họ đã phạm tội hoặc sa vào tệ nạn (buôn lậu ma túy, nghiện ma túy, tổ chức mại dâm, cầm đầu băng nhóm tội phạm, tham nhũng, cờ bạc, ngoại tình, loạn luân, v.v.). Thanh niên xuất thân từ những gia đình này dễ bị sa vào tội phạm, tệ nạn và lựa chọn các lối sống tiêu cực như một sự tiếp nối tự nhiên “truyền thống” gia đình.
Gia đình bỏ mặc, không quan tâm đến con. Có những gia đình do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên bố mẹ không thể nuôi dạy, quan tâm đến con. Ngược lại, có những gia đình khá sung túc, nhưng bố mẹ do mải làm ăn, kiếm tiền nên không quan tâm đến con. Đây là một hiện tượng nảy sinh từ khi đất nước đổi mới, nền kinh tế chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường. Có khá nhiều trường hợp như vậy đã được báo chí phản ánh một cách sinh động.
Cách giáo dục gia đình không đúng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nhân cách, định hướng lối sống của thanh niên. Có những thanh niên vốn được coi là ngoan, hiền, nhưng đột nhiên “dạt nhà”, “đi bụi”, phạm tội, thậm chí tự tử chỉ vì những xung đột nhỏ trong gia đình, như bị cha mẹ mắng mỏ, hoặc cho là bị cha mẹ, người thân coi thường, đối xử không công bằng… Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ rằng bố mẹ và gia đình không còn yêu thương, che chắn và bảo vệ mình nữa. Trong khảo sát của chúng tôi, có 8,9% thanh niên cho rằng giáo dục gia đình của họ là “gia trưởng, độc đoán”. Có thể những nhận định của bộ phận thanh niên này về giáo dục gia đình của họ là đúng hoặc không đúng, nhưng rõ ràng là đối với họ, giáo dục gia đình đã có tác động không tích cực, không thân thiện. Cần chú ý rằng sự thương yêu, quan tâm không đúng cách của cha mẹ cũng có khi bị con cái mình cho là “gia trưởng, độc đoán” hay “can thiệp thô bạo” vào “thế giới riêng tư” của chúng.
Nuông chiều quá mức của cha mẹ, ông bà cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã, hư hỏng của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên con nhà khá giả, thường được gọi là những “thiếu gia”, “kiều nữ”.
Từ những phân tích ở trên, có thể rút ra kết luận rằng, gia đình chính là một trong những yếu tố tác động quan trọng nhất có vai trò định hướng đối với sự trưởng thành của thanh niên cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách và định hướng lối sống. Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng như của nhiều học giả khác đều nhất quán xác nhận rằng, gia đình đã góp phần to lớn vào việc hình thành và định hướng cho thanh niên những lối sống tích cực, như trân trọng và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, yêu nước, yêu nòi, có trách nhiệm xã hội cao, tin tưởng vào tương lai của gia đình, đất nước, ham học, ham sáng tạo, yêu lao động, v.v.. Mặt khác, chính những khủng hoảng trong gia đình, nhất là khủng hoảng trong mối gắn kết giữa con cái và cha mẹ, khủng hoảng trong giáo dục gia đình lại chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến những xu hướng lối sống tiêu cực của một bộ phận thanh niên nước ta hiện nay. Việc thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, chiến lược của Chính phủ; các Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em ra đời, bổ sung và sửa đổi được thực thi; việc tổ chức thường niên Ngày hội gia đình 28/6… đã góp phần khắc phục hiện tượng một bộ phận gia đình “hỏng từ gốc”.
Tiếp tục đánh giá vị trí, tầm quan trọng của gia đình với ý nghĩa là nền tảng, tế bào của xã hội; đồng thời cũng là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành và phát triển nhân cách con người, nơi giữ vai trò đặc biệt quan trọng liên quan tới số lượng, chất lượng dân số và cơ cấu dân cư của quốc gia, Văn kiện Ðại hội XII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người”.
Trên cơ sở đó, chúng ta khẳng định rằng, gia đình chính là một địa chỉ tác động chủ yếu và quan trọng nhất trong quá trình tuyên truyền, vận động xây dựng đạo đức, lối sống tích cực, hiện đại và lành mạnh, ngăn ngừa các xu hướng lối sống tiêu cực, lạc hậu trong thanh niên nước ta trong những thập kỷ tiếp theo.
Xem thêm: Ý nghĩa ngày Gia đình Việt Nam (28/6)
5/5 – ( 1 bầu chọn )
Source: https://suanha.org
Category : Gia Đình