Khi sinh thời, Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã công bố Tông huấn về Mục vụ Gia đình.
Xem thêm: Ý nghĩa ngày Gia đình Việt Nam (28/6)
Ngài quy định năm thánh hóa các gia đình và khởi xướng Đại hội các Gia đình Công giáo từ năm 1994. Một năm sau, tức năm 1995 ngài quy định thêm vào trong kinh cầu Đức Mẹ lời tuyên xưng Đức Mẹ là “Nữ Vương gia đình” liền sau câu kinh “Nữ Vương ban sự bình an.” Qua việc công bố tước hiệu “Nữ Vương gia đình,” thánh Giáo hoàng muốn phó thác tất cả các gia đình trong tình yêu từ mẫu của Mẹ Maria. Ngài kêu mời các gia đình tin tưởng chạy đến với Mẹ – “Nữ Vương gia đình,” để nhờ Mẹ dắt dìu, hướng dẫn trên đường lữ hành dương thế; bởi vì, Mẹ đã từng trải nghiệm những khó khăn của gia đình Nazaret, hẳn Mẹ cũng thấu hiểu và cảm thông cho các gia đình của chúng ta hôm nay.
Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến các gia đình, vì thế định hướng mục vụ năm 2018 này là năm “Đồng hành với các gia đình trẻ.” Thiết nghĩ, tâm tình và đường hướng này sẽ thiết thực hơn nếu mỗi gia đình biết siêng năng “Dâng gia đình cho Trái tim Mẹ” qua lời kinh:
Lạy Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria, Chúa đã đặt Trái tim Mẹ làm gương mẫu cho các gia đình, làm trung tâm lôi kéo mọi tấm lòng quy hướng về Chúa. Hôm nay con xin dâng cho Trái tim Mẹ trót mình con, cả hồn xác con, cả cuộc sống con, con cũng xin hiến dâng cho Trái tim Mẹ cả gia đình con, hết mọi người thân thuộc: hoặc đi vắng, hoặc đang chung sống với nhau trong nhà này.
Xin Mẹ hãy cải hóa trí ý – tâm tình mọi người trong gia đình con, để gia đình con hòa thuận thương yêu nhau, hợp nhất cùng nhau trong Trái tim Mẹ.
Xin Mẹ hãy xua đuổi quỷ tham lam của cải gây lỗi đức công bằng, ra khỏi lòng mọi người trong gia đình con, để chúng con biết sống đức công bằng cho trọn vẹn. Xin Mẹ hãy khử trừ thần ô uế, cám dỗ, để chúng con biết giữ hồn xác trong sạch, xứng đáng làm con yêu dấu của Mẹ; để đời này chúng con được ẩn náu trong Trái tim Mẹ, đời sau được cùng Mẹ hát mừng yêu mến Chúa Ba Ngôi đời đời Amen.
Lời kinh hướng chúng ta đến ba điều: một là, hãy dâng hết mọi người trong gia đình cho Trái tim từ mẫu của Mẹ Maria; hai là, xin Mẹ cho mọi người trong gia đình biết hòa thuận yêu thương nhau; ba là, xin cho thành viên của gia đình biết xua đuổi lòng tham, biết giữ công bằng, giữ khiết trinh.
Ba lời cầu xin trong lời kinh thật thiết thực, đặt chúng ta trong mối tương quan ba chiều:
Tương quan trong Nhiệm thể Hội thánh. Trong mầu nhiệm Hội thánh, chúng ta đặt gia đình nhỏ trong gia đình lớn, đặt gia đình trần thế trong gia đình thánh bằng câu kinh dâng mọi thành viên trong gia đình cho Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội thánh. Việc đặt gia đình nhỏ trong gia đình lớn giúp các thành viên ý thức mình thuộc về Chúa và thuộc về Hội thánh. Con xin dâng cho Trái tim Mẹ cả hồn xác con, cả cuộc sống con, con cũng xin hiến dâng cho Trái tim Mẹ cả gia đình con. Việc ý thức mình và gia đình mình ở trong trái tim Mẹ, sẽ giúp các thành viên trong gia đình sống thánh thiện mỗi ngày một hơn.
Tương quan với nhau trong gia đình. Trong gia đình, nền tảng tình yêu được xây dựng trong tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta ý thức sự liên kết chúng ta trong gia đình là do tình yêu Thiên Chúa. Vì thế chúng ta thưa: Xin Mẹ hãy cải hóa trí ý – tâm tình moị người trong gia đình con, để gia đình con hòa thuận thương yêu nhau, hợp nhất cùng nhau trong Trái tim Mẹ.
Tương quan trong nội tại của bản thân. Đối với bản thân, mỗi người phải ý thức giữ đức công bằng và giữ đức khiết tịnh. Hai yếu tố giúp gìn giữ hạnh phúc gia đình. Vậy thì hãy nài xin Mẹ: xua đuổi quỷ tham lam của cải gây lỗi đức công bằng và khử trừ thần ô uế, cám dỗ, để chúng con biết giữ hồn xác trong sạch, xứng đáng làm con yêu dấu của Mẹ.
Source: https://suanha.org
Category : Gia Đình