MENU

Nhà Việt

Phục Vụ

24/24

Email Nhà Việt

[email protected]

Du xuân đầu năm 2020, thật đáng tiếc nếu bạn bỏ qua những địa điểm này!

Theo quan niệm của người Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm được coi là một nét đẹp văn hóa tâm linh. Đi lễ chùa đầu năm giúp con người ta thấy vui vẻ, thoải mái, tinh thần phấn chấn, từ đó công việc suôn sẻ, cuộc sống hạnh phúc. Hơn nữa đi lễ chùa đầu năm còn có thể được coi là một hoạt động du xuân rất bổ ích và ý nghĩa. Sau đây tôi sẽ giới thiệu 9 địa điểm du xuân gần Hà Nội đầu năm 2020 thiêng liêng và ý nghĩa để các bạn tham khảo và sắp xếp kế hoạch lên đường ngay từ bây giờ nhé.

1) Chùa Tam Chúc

Nằm cách Hà Nội chừng 60km, ngôi chùa Tam Chúc thuộc địa phận tỉnh Hà Nam ẩn mình trong một quần thể núi đá vôi độc đáo. Phong cảnh nước non hùng vỹ, chùa Tam Chúc dựa vào núi hướng ra hồ nước được đánh giá là ngôi chùa rất đặc biệt, “tiền lục nhạc, hậu thất tinh” và đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ sơn thủy hữu tình, là một trong những địa điểm du xuân gần Hà Nội đầu năm 2020 đáng chú ý.

Chùa Tam Chúc. (Ảnh sưu tầm)

Đi địa điểm du xuân gần Hà Nội Chùa Tam Chúc vào dịp đầu năm, du khách sẽ có cơ hội làm lễ, thắp hương và tham quan khu văn hóa tâm linh Tam Chúc được công nhận là khu Du Lịch trọng điểm quốc gia, bao gồm Khu văn hóa tâm linh; Khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng; sân golf 36 lỗ; Khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; Khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên. Cũng vì thế đây đã trở thành nơi đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019.

Chùa Tam Chúc hòa mình trong ánh hoàng hôn giữa núi rừng. ( Ảnh sưu tầm )

2) Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích tọa lạc ở tỉnh Bắc Ninh. Bắc Ninh là tỉnh có truyền thống văn hóa Phật giáo lâu đời nhất nước ta, là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây cũng là một trung tâm văn hóa lớn của miền Bắc, nổi tiếng với làn điệu quan họ – di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.Chùa Phật Tích có tên hiệu là Vạn Phúc Tự nằm ngang chân núi Tiên Du (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Phật Tích giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, là nơi đầu tiên Phật giáo Ấn Độ truyền vào nước ta.

Cầu thang đá tại chùa Phật Tích. ( Ảnh : Mytour )
Chùa được kiến trúc theo kiểu ” nội công ngoại bang “, sân chùa là cả một vườn hoa mẫu đơn tỏa nắng rực rỡ. Bên phải chùa là Miếu thờ Đức chúa tức bà Trần Thị Ngọc Am là đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng tu ở chùa này nên có câu đối ” Đệ nhất cung tần quy Phật địa. Thập tam đình vũ thứ tiên hương “. Bà chẳng những có công lớn trùng tu chùa mà còn bỏ tiền cùng dân 13 thôn dựng đình. Bên trái chùa chính là nhà tổ đệ nhất thờ Chuyết chuyết Lý Thiên Tộ. Ông mất tại đây năm 1644 thọ 55 tuổi ; lúc bấy giờ chùa còn giữ được pho tượng của Chuyết công đã kết hỏa lúc đang ngồi thiền .

 

Tượng Phật Bà Quan Âm. ( Ảnh sưu tầm )

Đi chùa Phật Tích du xuân gần Hà Nội đầu năm du khách có cơ hội được tham quan khuôn viên chùa, chiêm ngưỡng kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý, hòa mình vào làn điệu quan họ Bắc Ninh trong hội Phật Tích (Mùng 4 Tết hàng năm).

3) Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Khi hành lễ ở đây, du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên – kiệt tác kiến trúc Phật giáo Kim Cương thừa đầu tiên tại Việt Nam, góp phần tôn vinh giá trị tâm linh và văn hóa của Tây Thiên – trung tâm vũ trụ hội tụ năng lượng tinh túy của trời đất, ban nguồn ân phúc gia trì từ Tây Thiên, tỏa khắp các vùng miền của Tổ quốc.

 

1 góc Thiền viện Trúc Lâm vào dịp đầu xuân năm mới. ( Ảnh : Báo mới )

Nếu đến đây vào dịp 14/2 âm lịch du khách sẽ được tham gia lễ hội truyền thống Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây cũng là địa điểm khá thú vị cho những du khách ưa mạo hiểm,với đường đi khúc khuỷu, quanh co, vượt qua cửu đỉnh (9 dốc), bốn bề mây bay, thông reo, gió thổi, thoáng rộng và thanh sạch.

4) Đền Trần

Đền Trần là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Nơi đây thờ các vị vua nhà Trần, cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa.

Cổng Đền Trần. ( Ảnh sưu tầm )

Nếu du khách là những người làm kinh doanh, buôn bán, thương nhân thì không nên bỏ qua địa điểm du xuân gần Hà Nội đền Trần vào dịp đầu năm vì tại đây, du khách có thể mua tờ ấn, sớ với nguyện ước được thăng tiến trong sự nghiệp. Đến với đền Trần, du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về trang sử hào hùng cùa nhà Trần, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, gợi nhớ về một thời oanh liệt của dân tộc Việt.

5) Chùa Yên Tử

Chùa Yên Tử tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử –  một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, có độ cao 1068m so với mực nước biển. Chùa Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành để tìm đến sự thanh tịnh sau khi truyền ngôi và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

1 góc nhỏ của chùa Yên Tử. ( Ảnh sưu tầm )

Đến với chùa Yên Tử, du khách có cơ hội chụp ảnh tại đỉnh Vân Tượng ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, chiêm bái tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Tượng An Kỳ Sinh và dâng hương lễ phật đầu năm tại Chùa Đồng. Không chỉ có vậy, du khách trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng.

Không gian rất thiêng trong chùa. ( Ảnh : Nguyễn Hoàng Long )

Đây là một địa điểm du xuân gần Hà Nội rất thú vị, nếu đi  trong khoảng thời gian từ Mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch thì du khách có cơ hội tham gia lễ hội Yên Tử, hành hương tìm về cõi Phật, du xuân, thưởng ngoại phong cảnh, tìm cho riêng mình một chốn thực sự bình yên.

6) Đền Chúa Thác Bờ

Trước đền Thác Bờ thuộc xã Hào Tráng, sau nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, hiện đền tọa lạc tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ, được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà. Đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng vẫn rất uy nghi và nổi tiếng linh thiêng. Cách Hà Nội 110 km và 15 phút đi thuyền, đền Thác Bờ là điểm du lịch tâm linh lý tưởng và hấp dẫn với du khách trong dịp đầu năm.

Du khách đang làm lễ tại đền Chúa Thác Bờ. ( Ảnh sưu tầm )

Đến đây du khách có thể chiêm ngưỡng địa thế phong thủy hài hòa và hùng vĩ, sau lưng là núi, trước mặt là sông nước hữu tĩnh, thuyền bè qua lại. Lễ hội Đền Thác Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Vào dịp này du khách có thể đến đây để lễ tạ, thư giãn cũng như thưởng thức sự hấp dẫn của những xiên cá nướng sông Đà vàng ruộm, thơm lừng bày bán phía chân đền.

7) Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, cách Hà Nội 95 km. Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá. Kiến trúc chùa hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống. 

 

Vẻ đẹp hòa quyện giữa tuổi trẻ và sự cổ kính. ( Ảnh : Phạm Khánh Linh )

Chùa Bái Đính là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, cũng vì thế mà Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – Vesak 2014 diễn ra tại nơi đây. Đến với chùa Bái Đính, du khách có cơ hội Tham quan khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính – một trong những điểm du lịch mới hấp dẫn của Ninh Bình, với nhiều kỷ lục được xác lập: Chùa có tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam, Chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam; Chùa có Đại Hồng Chung lớn nhất Việt Nam; Chùa có giếng lớn nhất Việt Nam; Chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam…

Vẻ đẹp uy nghi của chùa Bái Đính. ( Ảnh sưu tầm )

Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Tham gia lễ hội du khách sẽ được chơi các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô.

8) Đền mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu Đồng Đăng là một ngôi đền cổ kính uy nghi nằm trên một quả núi, ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4km. Đền Mẫu Đồng Đăng còn có tên “Đồng Đăng linh tự”, là nơi thờ Phật và Mẫu Bán thiên. Đây là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam, có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử.

Cổng Đền mẫu Đồng Đăng. ( Ảnh : dalatcity.org )

Đến với Đền mẫu Đồng Đăng du xuân gần hà Nội đầu năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng du khách sẽ được tham gia hoạt động thờ cúng, các hoạt động văn nghệ thể thao như: múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa tâm linh, nguyện cầu sự che chở của các đấng linh thiêng, cầu mong cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó du khách còn có thể thưởng thức một số đặc sản nơi đây như lợn sữa quay mắc mật, gà sáu cựa đem nướng, ếch hương, đào tiên tiến vua, …

9) Làng cổ Đường Lâm

Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam. Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đường Lâm nằm bên hữu ngạn sông Hồng (bờ phía Nam), cạnh đường Quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh, nằm cách Hà Nội 50 km. Ngày nay, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làngngười Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, …

 

1 góc nhỏ của làng cổ Đường Lâm. ( Ảnh sưu tầm )

Đến với Làng cổ Đường Lâm vào dịp đầu năm, du khách sẽ cảm nhận được không khí trong lành, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ mang kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt nam thời kì phong kiến. Bên cạnh đó không thể không kể đến những đặc sản nơi đây mà du khách có thể thưởng thức cũng như làm quà Tết như: gà mía, tương chấm, bánh tẻ, chè lam, kẹo dồi, …

Còn chần chừ gì nữa mà không gói ghém đồ đạc và lên đường du xuân thôi nào!

Xem ngay >> Chùm lễ chùa đầu năm 2020

Hotline: 024.73 07 50 60

Trọng Hùng

Source: https://suanha.org
Category : Tư Vấn

Alternate Text Gọi ngay
Liên kết hữu ích: XSMB